Phúc Trình Khảo Sát Cộng Đồng về Luật Chống Kỳ Thị Chủng Tộc
Toát Yếu
Khái Quát
Vào năm 2022, Chính Quyền British Columbia (B.C.) đã có bước quan trọng chống nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn bằng cách đưa ra Đạo Luật Dữ Kiện Chống Kỳ Thị Chủng Tộc (ARDA). Đạo luật này cho phép chính quyền thu thập các dữ kiện phân tách nhằm dẹp bỏ các chướng ngại cho người bị phân biệt chủng tộc tiếp nhận các chương trình và dịch vụ công. Sau đạo luật này, Tỉnh Bang nay đưa ra thêm luật chống kỳ thị sâu rộng hơn để hành động dựa trên kết luận của ARDA và những nguồn khác nhằm đối phó và dẹp bỏ nạn kỳ thị chủng tộc.
Để bảo đảm đạo luật này có hiệu quả và bao gồm mọi giới, Tỉnh Bang đã có các tiến trình tham khảo rộng rãi với cộng đồng trong năm 2023. Công việc này gồm có bản câu hỏi khảo sát công cộng trên mạng, tham khảo và đồng phát triển với các thành phần hợp tác Thổ Dân và thảo luận với các cộng đồng bị phân biệt chủng tộc theo hướng dẫn của các tổ chức cộng đồng trên toàn B.C. Đường lối đồng sáng tạo này phản ảnh ý định nỗ lực soạn luật để công nhận và tích cực kết hợp các quan điểm và kinh nghiệm khác nhau nhằm giải quyết nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn.
Các tổ chức cộng đồng giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức những buổi tham gia bao gồm mọi giới đại biểu cho kinh nghiệm khác nhau của các cộng đồng bị phân biệt chủng tộc tại B.C. Những buổi tham gia này gồm các thành phần nhân khẩu rộng rãi, bảo đảm có tiếng nói của nhiều giới thuộc chủng tộc, sắc tộc và quá trình xã hội khác nhau. Đường lối toàn diện này đã thực hiện hơn 225 buổi đóng góp ý kiến và 5,000 người tham gia. Đường lối này đã giúp chúng ta hiểu được sâu rộng các khó khăn Thổ Dân và các cộng đồng bị phân biệt chủng tộc phải đương đầu và các giải pháp có thể áp dụng để chống lại nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn.
Mời các tổ chức cộng đồng tại B.C. tham gia tiến trình này là nhìn nhận vai trò chủ chốt của họ trong nỗ lực giải quyết nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn và phát huy tính chất đa văn hóa và chống kỳ thị chủng tộc. Các tổ chức này bắt nguồn từ hạ tầng và hiểu biết sâu rộng các vấn đề địa phương nên không thể thiếu họ khi lập các biện pháp can thiệp tế nhị về văn hóa và bênh vực cho việc thay đổi chính sách. Họ cung cấp các phương tiện then chốt để hàn gắn văn hóa, những đường lối hằn gắn qua nhóm tương trợ và giúp đưa ra các đề xướng về nhận thức và bao gồm mọi giới. Ngoài ra, các tổ chức này cũng giữ vai trò thiết yếu để bảo đảm chính quyền phải chịu trách nhiệm, phát huy mức tham gia của cộng đồng và bênh vực việc thực thi quân bình chủ thuyết đa văn hóa và chống kỳ thị chủng tộc trong các chính sách và đề xướng của chính quyền. Các nỗ lực của họ không những đóng góp cho mục tiêu tức thời để soạn luật chống kỳ thị chủng tộc có hiệu quả mà còn cho mục tiêu rộng lớn hơn là xây dựng một xã hội bao gồm mọi giới và công bằng hơn tại B.C.
Các Chủ Đề Chung
Những buổi cộng đồng tham gia này đều đưa ra ba chủ đề chung. Các chủ đề này nêu lên những trọng tâm xen lẫn vào các lãnh vực khác nhau, gồm cả nền giáo dục Mẫu Giáo-Lớp 12, chăm sóc sức khỏe, công lực và việc làm.
Trọng tâm tranh đấu chống nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn là nhu cầu cần có các khuôn khổ giáo dục toàn diện, bắt đầu từ hệ thống Mẫu Giáo-Lớp 12. Người tham gia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giáo dục giới trẻ về lịch sử kỳ thị chủng tộc của Canada và nhu cầu cần có các chiến dịch nâng cao mức nhận thức công cộng để phát huy thông cảm và hiểu biết. Các đề xướng này được xem là nền tảng bắc cầu giữa các cộng đồng và nâng cao hiệu quả khi áp dụng những cách làm việc đa văn hóa và chống kỳ thị chủng tộc. Hơn nữa, cũng đã có kêu gọi mở những buổi hội thảo bắt buộc để huấn luyện về cách chống kỳ thị chủng tộc và khả năng văn hóa cho giới chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ công, gồm cả giáo viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe và nhân viên công lực.
Các cuộc thảo luận này cũng cho thấy cần có các cơ chế bắt chịu trách nhiệm để giải quyết các thiên kiến và kỳ thị chủng tộc trong nhiều lãnh vực, gồm cả giáo dục và tại nơi làm việc. Việc thành lập những cách chịu trách nhiệm rõ ràng được xem là thiết yếu để nhìn nhận mối hại của nạn kỳ thị chủng tộc và để ngăn ngừa tái diễn trong tương lai. Số này gồm cả nhu cầu cần phúc trình minh bạch, đánh giá độc lập và hậu quả nếu vi phạm các chính sách chống kỳ thị chủng tộc.
Tiến trình tham khảo này đã cho thấy là tuy chủ thuyết đa văn hóa và chống kỳ thị chủng tộc là các ý niệm riêng rẽ nhưng liên quan với nhau và có thể củng cố lẫn nhau. Chủ nghĩa đa văn hóa được tôn vinh vì đặt trọng tâm vào tính cách đa dạng và trao đổi văn hóa nhưng cũng có thể bị xem chỉ là tượng trưng nếu không xét đến lãnh vực chống kỳ thị chủng tộc. Ngược lại, chống kỳ thị chủng tộc được nhận định là mang đường lối tiên liệu để hành động và thâm căn để giải quyết các chướng ngại nhưng cũng được nhìn nhận là thường bị hiểu là khiêu khích và đối đầu. Những người tham gia xem việc kết hợp các đường lối này thật thiết yếu để xây dựng một xã hội bao gồm mọi giới và công bằng, nhìn nhận đó là một nỗ lực liên tục và là trách nhiệm chung của tập thể.
Các chủ đề này nhấn mạnh đến tính cách phức tạp của việc đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn và nhu cầu cần có một đường lối đa diện. Cải tổ giáo dục, nhất là trong hệ thống Mẫu Giáo-Lớp 12, được xem là bước đầu lập nền móng thay đổi lâu dài. Các lãnh vực chăm sóc sức khỏe, công lực và việc làm cũng được nhận định cần phải cải tổ đáng kể để bảo đảm các dịch vụ công bằng và để giải quyết bản chất thâm căn của mạn kỳ thị chủng tộc. Do đó, tiến trình khảo sát này chuẩn bị cho một sách lược toàn diện giữa cải tổ giáo dục, các cơ chế chịu trách nhiệm và kết hợp chủ thuyết đa văn hóa và chống kỳ thị chủng tộc để chống lại hiệu quả nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn.
Trong tiến trình khảo sát này, vấn đề đã rõ là cần phải hiểu những mối quan tâm cụ thể của các cộng đồng đa dạng khác nhau thì mới hiểu bản chất đa diện của nạn kỳ thị chủng tộc. Các chủ đề độc nhất nêu ở dưới cho thấy được sự thật là các cộng đồng khác nhau bị gạt ra ngoài lề không có cùng kinh nghiệm bị kỳ thị chủng tộc như nhau và nhấn mạnh đến nhu cầu cần những cách đối phó riêng biệt và tinh tế.
Các cộng đồng gốc người Phi Châu di cư và người Canada Da Đen nhấn mạnh đến nhu cầu cần có các đề xướng chống kỳ thị chủng tộc có mục tiêu cụ thể để nhìn nhận bản chất riêng biệt của nạn kỳ thị chủng tộc đối với Người Da Đen và khi tiếp xúc với những dạng kỳ thị chủng tộc khác. Các lãnh vực chính cần chú trọng gồm các dịch vụ phục hồi, đền bù tế nhị về văn hóa và kết hợp lịch sử và văn hóa người Da Đen vào sinh hoạt xã hội công cộng. Cộng đồng này đã kêu gọi được tham gia trực tiếp với chính quyền và có đại biểu trong tiến trình quyết định, nhấn mạnh đến tầm quan trọng là chính quyền phải chịu trách nhiệm, nhất là trong những trường hợp tiếp xúc với nhân viên công lực.
Người Á Châu di cư nêu rõ các trở ngại ngôn ngữ và tình trạng gia tăng bạo động chống người Á Châu là những mối lo ngại chính. Họ cho biết là cần các dịch vụ yểm trợ bằng nhiều ngôn ngữ và các đề xướng chống kỳ thị chủng tộc và xóa bỏ tư tưởng rập khuôn sẵn. Họ cũng nhận định là cần yểm trợ tâm lý thích hợp với kinh nghiệm của di dân bị phân biệt chủng tộc và giải quyết nỗi lo sợ và tự kiểm duyệt trong số tân di dân là những vấn đề thật quan trọng.
Đối với các cộng đồng Nam và Tây Á, các vấn đề trở ngại ngôn ngữ, công nhận chứng chỉ ngoại quốc và yểm trợ liên thế hệ là các chủ đề quan trọng. Các khó khăn của nạn tư tưởng rập khuôn sẵn về giới thiểu số và thiên kiến nội bộ trong các cộng đồng bị phân biệt chủng tộc đã được nêu ra để thảo luận, nhấn mạnh đến nhu cầu giáo dục rộng rãi hơn hầu phát huy mức hiểu biết liên cộng đồng và lòng tôn trọng lẫn nhau.
Các cộng đồng Thổ dân chú trọng vào vấn đề giao quyền cho Những Bộ Tôc Thổ Dân để lãnh đạo các hệ thống của họ và bảo đảm phải chịu trách nhiệm với các hậu quả rõ ràng cho nạn kỳ thị chủng tộc trong các lãnh vực như chăm sóc sức khỏe và công lý hình sự. Tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe tế nhị về văn hóa và những cách chữa trị truyền thống, cũng như những phần cải tổ trong hệ thống công lý hình sự, cũng là các yếu tố then chốt.
Thiếu niên trong tuổi đi học tại British Columbia cực lực bênh vực cho một chương trình học từ Mẫu Giáo-Lớp 12 có thể trực tiếp đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử; các em cũng kêu gọi mở chương trình huấn luyện chuyên biệt về tế nhị văn hóa và chống kỳ thị chủng tộccho các nhà giáo dục. Tầm quan trọng của mức đại diện bao gồm mọi giới và đa dạng trong hệ thống trường học cũng được nhấn mạnh cùng với nhu cầu cần các chương trình trao đổi văn hóa và các chính sách công bằng cho trẻ em di dân.
Sinh viên đại học, nhất là sinh viên quốc tế, đã bày tỏ mối lo ngại về thiên kiến chủng tộc trong môi trường văn hóa học thuật, kể cả kỳ thị ngôn ngữ và lo sợ bị trả đũa khi trình báo những vụ kỳ thị chủng tộc. Họ nhấn mạnh đến nhu cầu cần được yểm trợ sâu rộng hơn, kể cả các chính sách công bằng về học phí và cải tiến các cơ chế đối phó với nạn kỳ thị chủng tộc.
Tại những khu vực thôn dã, những vấn đề chính được nêu ra là khó khăn về giao thông vận tải, hạ tầng cơ sở, vai trò của các thương nghiệp địa phương và công khai kỳ thị chủng tộc hơn. Cải tiến phương tiện chuyên chở công cộng, sử dụng các dịch vụ thiết yếu và giáo dục về lịch sử thực dân đã được nhận định là những bước cần thiết đưa đến công bằng và bao gồm mọi giới.
Các cộng đồng tín ngưỡng đã phải đương đầu với nhiều tầng lớp chướng ngại giữa chủng tộc, sắc tộc và tôn giáo. Họ nhấn mạnh đến việc cần có các chính sách tôn giáo bao gồm mọi giới, đại diện tích cực trong giới truyền thông và áp dụng các tiêu chuẩn thông lệ của xã hội. Kỳ thị y phục tôn giáo bên ngoài và thiếu đại diện tích cực của các tôn giáo khác nhau cũng là các mối lo ngại đáng kể.
Các kinh nghiệm khác nhau này cho thấy không có một đường lối nào thích hợp cho tất cả mọi trường hợp để đối phó với nạnkỳ thị chủng tộc. Một trường hợpkỳ thị chủng tộc riêng biệt của cộng đồng đòi hỏi phải hiểu rõ và có các hành động cụ thể để nhìn nhận và đối phó với những dạng kỳ thị chủng tộc khác nhau. Cần phải hiểu được sắc thái này thì mới soạn ra các sách lược và chính sách hiệu quả để chống kỳ thị chủng tộc và thật sư bao gồm mọi giới và đáp ứng các nhu cầu của Thổ Dân và các cộng đồng khác bị phân biệt chủng tộc tại British Columbia.
Tiến trình cộng đồng tham gia tại British Columbia cho thấy không thể thiếu được vai trò của các tổ chức cộng đồng trong việc hướng dẫn soạn luật chống kỳ thị chủng tộccó hiệu quả. Những mối kết nối sâu rộng và hiểu biết toàn diện các kinh nghiệm chung và độc nhất về nạn kỳ thị chủng tộc trong nhiều cộng đồng khác nhau đã giúp chúng ta thấu đáo những điểm tối quan trọng. Khi kết hợp các quan điểm khác nhau này, tiến trình này nhìn nhận bản chất đa diện của nạn kỳ thị chủng tộc thâm căn. Tiến trình này cũng bảo đảm có thể soạn luật thích hợp để đối phó với các khó khăn chung cũng như riêng biệt của những nhóm khác nhau. Đường lối cộng tác và bao gồm mọi giới này lập ra một mô hình để soạn luật đáp ứng phản ảnh nhu cầu của nhiều cộng đồng khác nhau hầu phát huy một tỉnh bang công bằng và bao gồm mọi giới.